Liên kết website

HỌC TẬP TƯ TƯỞNG BÁC HỒ VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

02/04/2018
Bác Hồ không chỉ là nhà tư tưởng, nhà lý luận mà Người còn là kiến trúc sư lỗi lạc của nên hành chính Nhà nước Việt Nam trên tất cả các mặt như: Xây dựng thể chế tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức, lề lối làm việc, kỹ thuật hành chính và cơ chế vận hành, rèn luyện đạo đức, sửa đổi cách làm việc chống quan liêu lãng phí, tham ô… Bác Hồ là người đặt cơ sở vững chắc cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại của nhà nước ta. Người đã thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa mục tiêu chính trị và mục tiêu hành chính trong một mục tiêu chung. Khi nói tới bản chất của nền hành chính nhà nước, Bác quan tâm tới bản chất của chế độ, tức là quan tâm tới mối quan hệ giữa dân chủ và chính quyền. Nền hành chính ấy, theo Bác là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, cũng tức là nền dân chủ nhân dân. Bản chất của nền hành chính luôn luôn phụ thuộc vào bản chất của Nhà nước.
Từ nhiều năm nay, vận dụng tư tưởng của Bác, Đảng ta đã chủ trương xây dựng nền hành chính dân chủ, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, đề cao vai trò của nền hành pháp, xác định CCHC là trọng tâm, tập trung vào những nội dung cơ bản như: Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên trong cơ quan nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý về đường lối chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn. Đặc biệt là thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức sao cho gần dân, sát dân hơn. 
Bác Hồ đã viết cuốn sách “Sửa đổi lề lối làm việc” vào năm 1947 để nói về lề lối làm việc của cán bộ. Trước khi đi xa, trong bản Di chúc Bác căn dặn: Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Theo Bác người cán bộ, công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà làm việc. Tư tưởng phục vụ nhân dân là tư tưởng cốt lõi trong đạo đức, nhân cách của Bác. Với địa vị là công bộc của dân, Bác luôn nhắc nhở người cán bộ công chức phải yêu dân, kính dân. Người nói: Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Người kịch liệt lên án những cán bộ công chức miệng thì nói dân chủ làm việc thì theo lối quan chủ, miệng thì nói phụng sự quần chúng nhưng họ lại làm trái ngược với lợi ích của quần chúng.
Trong điều kiện CCHC ở nước ta hiện nay, việc nghiên cứu và học tập tư tưởng Bác Hồ về lề lối làm việc, CCHC là vô cùng quan trọng. Từ trước tới nay, khi nói đến CCHC chúng ta thường chỉ quan tâm đến vấn đề thể chế trong khi đó đội ngũ cán bộ công chức áp dụng thủ tục hành chính lại ít được quan tâm. Thấu suốt tư tưởng của Bác Hồ về CCHC, Đảng ta đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về CCHC, đề ra Chương trình CCHC giai đoạn 2011 - 2020, coi đó là vấn đề chiến lược, xác định 4 lĩnh vực bao gồm: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Mục tiêu hướng tới là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Chính vì thế CCHC muốn thành công phải có sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị đó là:  Tiếp tục hoàn chỉnh thể chế QLNN mới đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống, tính khả thi của thể chế pháp luật gắn với mục tiêu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và tính dễ áp dụng trong thực hiện các quan hệ nhà nước với dân. Công chức và cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì mà pháp luật quy định. Hai loại thể chế tiếp tục được ưu tiên hoàn chỉnh là: Thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - hội nhập kinh tế quốc tế; thể chế tổ chức, vận hành của bộ máy Chính phủ và chính quyền các cấp phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế “một cửa - liên thông và hiện đại” ở tất cả các cấp. Tiến hành phân công, phân cấp mạnh hơn cho các cấp chính quyền để phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của chính quyền từng cấp trong thực hiện nhiệm vụ QLNN. Để thực hiện có hiệu quả cải cách nền hành chính nhà nước cần giải quyết thành công một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đội ngũ CBCC đủ "tâm", đủ "tầm", trước những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là giải pháp mang tính quyết định để thực hiện thành công cải cách nền hành chính. Không có đội ngũ CBCC đủ năng lực hoạch định chính sách, dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì khó có được những thể chế, chính sách theo kịp và định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Bác Hồ về lề lối làm việc, cải cách hành chính hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vấn đề đặt ra là mỗi người trên cương vị công tác phải toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, để mãi mãi xứng đáng là công bộc của Nhân dân./.
                                                                                                         (Văn phòng - Sở GTVT)

Các tin khác

News