Liên kết website

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

10/02/2018
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Nhiệm vụ đầu tiên là ban hành pháp luật, tiếp đến tổ chức thực hiện pháp luật, trong đó, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được xem là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân. Mục đích của nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL là xây dựng ý thức pháp luật, làm cho công chức, viên chức và người lao động có lòng tin vào pháp luật, tham gia tích cực trong việc thực thi pháp luật, nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng đó, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được Sở Giao thông vận tải quan tâm, tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng phòng chuyên môn, có sự linh hoạt về nội dung, phong phú trong hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những lĩnh vực còn nhiều vướng mắc, phức tạp như: Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện, phương tiện thủy nội địa... Hình thức và biện pháp, đối tượng tuyên truyền được mở rộng, với các hình thức phát tờ rơi, trực tiếp tuyên truyền, kết hợp với các cuộc họp chuyên môn, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, tuyên truyền trên môi trường mạng, tại các bến xe khách, điểm tiếp nhận thủ tục hành chính, cuộc họp cơ quan... và tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể, UBND các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn; kêu gọi các đơn vị trong ngành hỗ trợ kinh phí và cùng tham gia công tác tuyên truyền.
Năm 2017, Sở đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, và tổ chức 04 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ điều hành vận tải và đạo đức nghiệp vụ cho người lái xe với số người tham gia 236 người; Tuyên truyền Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 của UBND tỉnh quy định về màu sơn xe taxi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi biết thực hiện. Tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe cho 58 cán bộ, giáo viên dạy lái xe của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch; 01 lớp tập huấn cho 43 giáo viên dạy thực hành lái xe của các cơ sở đào tạo lái xe; đồng thời, trong 202 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô và ô tô, trước mỗi kỳ sát hạch đã phổ biến các quy định về pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức nghề nghiệp và tình hình tai nạn giao thông cho hơn 21.423 lượt học viên. Hội nghị trao đổi về công tác quản lý chất lượng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cho 180 công chức được phân công theo dõi, phụ trách giao thông vận tải của cấp huyện, cấp xã (bao gồm 17 huyện, thị xã, thành phố; BQL DA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Gia Lai; BQL DA ĐTXD các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn  Các đơn vị tư vấn; nhà thầu thi công).
Sở đã biên soạn, in ấn và cấp phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, lực lượng Thanh tra của Sở thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với đội ngũ lái xe, chủ phương tiện bằng hình thức ký cam kết không vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Yêu cầu 391 trường hợp lái xe, chủ phương tiện cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn và kích thước thành thùng xe khi vận chuyển hàng hóa tham gia giao thông; Yêu cầu 01 doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa (Công ty CP phát triển Đại Việt, địa chỉ Pleiku, Gia Lai) ký cam kết không xếp hàng hóa quá tải lên xe ô tô và chấp hành các quy định về tải trọng, khổ giới hạn; Đăng trên Trang thông tin điện tử của Sở với chủ đề “Thanh tra Sở chủ động trong công tác tuyên truyền, xử lý phương tiện vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải tại nơi xuất phát nguồn hàng”.
Phối hợp với Nhà máy đường An Khê và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công (Nhà máy đường AyunPa) tổ chức tuyên truyền các nội dung quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, về kiểm soát tải trọng phương tiện đến các lái xe, chủ phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa trong vụ thu hoạch nông sản 2016-2017; Phối hợp với Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã và thành phố treo 100 bảng quy định về điều kiện của xe đưa đón học sinh tại các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh. Phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các công ty thủy điện, thủy lợi rà soát, tổng hợp số lượng phương tiện thủy nội địa và hỗ trợ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân sử dụng trên phương tiện thủy nội địa; tổ chức tuyên truyền và phát tờ rơi về đảm bảo an toàn phương tiện thủy nội địa tại các huyện, thị xã, đã cấp phát 800 tờ rơi, tuyên truyền cho 220 người dân tại huyện Ia Grai và Krông Pa; phối hợp với các Công ty thủy điện trên địa bàn hỗ trợ 700 áo phao, 15 dụng cụ nổi cá nhân cho người dân tại các huyện Ia Grai và Chư Păh. Đồng thời phát 1.000 tờ rơi tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa.
Đồng thời, Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, Sở đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Sở Giao thông vận tải tổ chức cấp phát 2.300 tờ rơi tuyên truyền một số quy định về quản lý, sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ cho người dân tại các tuyến đường tỉnh. Ngoài ra, Thanh tra Giao thông đã thực hiện tuyên truyền, giáo dục đối với các trường hợp đặc thù là người đồng bào dân tộc thiểu số các quy định không được chở người trên thùng hàng xe máy kéo nhỏ, xe máy kéo nhỏ phải có có đủ hệ thống chiếu sáng theo đúng quy định, người điều khiển phải có đủ chứng chỉ, giấy phép lái xe.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ các tổ chức, cá nhân, Sở Giao thông vận tải Gia Lai tổ chức đối thoại trực tuyến giữa Giám đốc Sở với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với chủ đề “ Chung tay cải cách hành chính ”. Nội dung và cách thức triển khai thực hiện như: Thông báo về thời gian và cách thức được đăng báo Gia Lai số ra các ngày 12, 13, 14 tháng 7 năm 2017; phát trên đài Phát thanh và truyền hình tỉnh vào thời gian từ 20h15 đến 22h các ngày 12, 13, 14 tháng 7 năm 2017 và ngày 06/7/2017 Sở đã phát hành 120 giấy mời gửi đến tận nơi các tổ chức và doanh nghiệp để mời tham dự hội nghị trực tuyến; nhắn tin 50 cá nhân đến Sở cấp đổi GPLX ngẫu nhiên; 89 tin nhắn gửi mời các cá nhân và tổ chức đã có phản ánh trước đây với Sở qua đường dây nóng. Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền Thông báo nội dung đối thoại trực tuyến trên môi trường mạng của Sở đến các đối tượng quản lý và nhân dân trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Mặc khác, niêm yết công khai Thông báo số 2110/TB-SGTVT của Sở GTVT tại Bưu điện 17 huyện, thị xã, thành phố; tại các Bến xe trên địa bàn tỉnh; tại các Trung tâm đào tạo & sát hạch lái xe và các Trung tâm Đăng kiểm. Mặc khác, chọn một số nội dung chính của thông báo đăng trên Fanpage của Sở Giao thông vận tải (Quảng cáo có trả phí từ ngày 03/10/2017-20/10/2017).
Để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, công chức và người lao động cần:
Một là, Hệ thống chính trị (Cấp ủy, lãnh đạo, các đoàn thể) của Sở cần quan tâm đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Thực tiễn cho thấy những thành công cũng như hạn chế đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đều xuất phát từ nhận thức của CNVCLĐ. Vì thế, Đảng ủy, lãnh đạo sở, Chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên…cần làm tốt công tác giáo dục, làm rõ vị trí, vai trò của công tác truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với việc nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi chấp hành pháp luật của cán bộ CNVCLĐ. Công tác này phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên và cần đưa vào đánh giá tiêu chi khi phân loại cuối năm. Các bộ phận phân công người theo dõi việc học tập, nghiên cứu văn bản của từng cán bộ, công chức và người lao động để làm cơ sở đánh giá việc tự học của mỗi người.
Hai là, Xây dựng kế hoạch phối hợp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa chuyên môn và các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ,....) trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức; lồng ghép các hoạt động nhằm phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức và người lao động. Tạo tính tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu, nhận thức bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến các văn bản Luật mới ban hành....Qua đó, hình thành ý thức tự giác, thói quen học tập nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, sống học tập và làm việc theo pháp luật trong cán bộ, công chức và người lao động.
Ba là, Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai trên diện rộng những hình thức mới đang phát huy hiệu quả trên thực tế như xây dựng Chuyên mục phổ biến pháp luật trên trang điện tử của Sở; lồng ghép việc phổ biến, giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật trong các hội nghị, cuộc họp giao ban, triển khai công việc của Sở; giải thích, hướng dẫn qua việc lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; Thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức và cá nhân…tăng cường các đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi vì, đây là cách nhanh nhất, ít tốn kém nhưng hiệu quả lại rất cao. Ngoài việc tăng cường đưa tin về các văn bản pháp luật mới ban hành thì các ngành với chức năng, nhiệm vụ của mình cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục riêng để đề cập đến các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực mà ngành mình phụ trách, góp phần làm tăng thêm hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của mình.
Bốn là, Để làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cần phân công cán bộ, công chức có năng lực hàng tháng đưa ra các văn bản tự học tự nghiên cứu để quán triệt trong phòng, ban và trong cuộc họp cơ quan Sở. Cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phải làm tốt vai trò tham mưu cho Sở trong việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thường xuyên tham mưu, hướng dẫn phòng, ban phụ trách khi có văn bản mới. Cần có kế hoạch bố trí, bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật
Năm là, Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những  nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Biên soạn, cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu phổ biến pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực quản lý như in ấn phát hành tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật…. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức phổ biến bám sát nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin về pháp luật của cán bộ, nhân dân; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, tài liệu giữa các cơ quan, tổ chức nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Để làm tốt vấn đề cung cấp tài liệu, ngoài kính phí được ngân sách nhà nước bố trí, Sở tập trung đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa và tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể, UBND các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.  
Chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật là nét đẹp văn hóa, là việc làm thiết thực của mỗi cán bộ, công chức và người lao động trong ngành giao thông. Thông qua các hoạt động PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Hiến pháp, Pháp luật. Qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã góp phần cung cấp thêm kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác chuyên môn, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân nói chung và người tham gia giao thông nói riêng. Việc hình thành ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động và người dân có thể  bằng nhiều con đường khác nhau. Nếu được Lãnh đạo Sở, quan tâm thích đáng chắc chắn kết quả phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động và cho nhân dân sẽ được  nâng cao. Thực tiễn đã chứng minh khi con người có ý thức pháp luật thì khả năng chấp hành pháp luật của họ rất tốt; ngược lại khi không có ý thức pháp luật thì việc vi phạm pháp luật là rất cao. 
                                                                                                   (Tin Văn phòng - Sở GTVT)

Các tin khác

News